
“Xanh hóa” đại học: Tại sao nhiều trường vẫn ngại bước chân vào công cuộc chuyển đổi tốn kém?
Th7 07, 2025
15:38:44
Giáo dục đại học được kỳ vọng không chỉ truyền thụ tri thức mà còn là gương điển hình trong kiến tạo môi trường bền vững và nâng cao trách nhiệm cộng đồng. Tuy nhiên, công cuộc “xanh hóa” đại học vẫn còn nhiều rào cản.
Những thách thức trong xanh hoá đại học
Báo cáo của IFC – thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, tổ chức phát triển Hệ thống chứng nhận công trình xanh EDGE – cho biết, 50% các nhà xây dựng đều cho rằng chi phí cao là trở ngại lớn nhất trong việc mở rộng các công trình xanh tại Việt Nam. Trong đó, thiếu nguồn đầu tư là yếu tố lớn nhất khiến cho các công trình xanh hiện nay còn hạn chế.
Tuy nhiên, chi phí không phải là rào cản duy nhất, bởi theo ARDOR Green – đơn vị tư vấn công trình xanh tại Việt Nam, với các dự án mới được thiết kế và xây dựng tối ưu, việc xanh hóa hoàn toàn khả thi khi mức gia tăng chi phí chỉ khoảng 1% so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Do đó, ông Đặng Hoàng Long – Chuyên gia về thiết kế bền vững tại ARDOR Green cho rằng, xanh hoá đại học còn chậm là bởi nhận thức và năng lực triển khai chưa đồng bộ, thiếu đội ngũ chuyên môn về công trình xanh, thiếu cơ chế khuyến khích và chính sách hỗ trợ chuyên biệt… Tuy nhiên, theo ARDOR Green, đây là bước đi tất yếu, vì một tương lai bền vững hơn, mà môi trường giáo dục luôn là nền tảng.

Xanh hóa đại học còn gặp nhiều rào cản từ chi phí, sự không đồng nhất trong nhận thức, năng lực, chuyên môn và cơ chế liên quan.
Xu hướng xanh hóa đã được nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới đầu tư quy mô lớn và triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống.
Đại học Stanford (Mỹ) xây dựng hệ thống năng lượng giảm 80% khí nhà kính, dùng 100% điện tái tạo từ 2022 và đặt mục tiêu net zero đến năm 2050. Đại học Oxford (Anh) cũng cam kết đạt net zero carbon và tăng đa dạng sinh học ròng vào 2035 với Quỹ Bền vững lên đến 200 triệu bảng Anh. Oxford triển khai chiến lược xanh toàn diện trên 10 lĩnh vực, thành lập các trung tâm nghiên cứu hàng đầu và hợp tác với chính quyền, doanh nghiệp thực hiện mô hình vùng phát thải thấp và trung tâm năng lượng tích hợp.
Ở châu Á, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) áp dụng mô hình Trường đại học xanh toàn diện từ 1998. Khuôn viên trường duy trì hơn 57% diện tích xanh, thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm. Ngoài ra, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) nổi bật với sáng kiến “SNU Green Campus Plan”, hướng tới xây dựng một khuôn viên phát thải thấp thông qua việc đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, lắp đặt các trạm sạc xe điện, và cải tạo các tòa nhà để nâng cao hiệu suất năng lượng.
Tại Việt Nam, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) là một trong những ngôi trường tiên phong theo đuổi giá trị xanh kể từ những ngày đặt nền móng đầu tiên.

Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) là một trong những đơn vị giáo dục tiên phong trong công cuộc “xanh hóa”.
Với chiến lược phát triển bền vững toàn diện, BUV không chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xanh mà còn coi trường học là môi trường hình thành ý thức và trách nhiệm môi trường cho thế hệ trẻ. Giáo sư Rick Bennett – Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch BUV, khẳng định trường muốn trở thành hình mẫu thực tiễn để truyền cảm hứng cho sinh viên, những người sẽ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường.
Minh chứng cho tầm nhìn kiên định này, là việc BUV hiện trở thành trường đại học duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ EDGE Nâng cao (tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế) cho cả 2 giai đoạn khuôn viên với mức yêu cầu tiết kiệm năng lượng tại chỗ ít nhất 40% so với công trình thông thường. Trái ngọt là kết quả một quá trình kiên trì gieo trồng giá trị bền vững trong từng chi tiết của cả một đội ngũ phía sau. Ngay từ khâu lên ý tưởng thiết kế cho đến lúc công trình hình thành, từng bước đều được BUV cân nhắc kỹ lưỡng, đặt sự phát triển bền vững làm trọng tâm.
Từ công trình “xanh” đến con người “xanh”
Hành trình “xanh hóa” của BUV ghi dấu ấn đậm nét của ARDOR Green – đối tác tư vấn thiết kế đồng hành từ những giai đoạn đầu. Đại diện đơn vị chia sẻ, ngay khi những khái niệm như giảm tiêu thụ năng lượng, giảm khí thải carbon và tiết kiệm nước với các trường đại học còn chưa phổ biến, BUV đã đặt ra những yêu cầu này với đơn vị tư vấn.
“Ngay ngày đầu, chúng tôi đã bất ngờ trước một ngôi trường đại học đặt tiêu chí bền vững lên hàng đầu. Từ hành lang sử dụng thông gió tự nhiên, hệ thống điều hòa hiệu suất cao, thiết kế thụ động tinh tế, đến việc lựa chọn kỹ lưỡng từng thiết bị… đều được cân nhắc tỉ mỉ. Sự đồng hành của chúng tôi trong cả 2 giai đoạn không chỉ dừng lại ở tối ưu kỹ thuật mà còn lan tỏa tinh thần tiên phong, minh chứng cho một môi trường học tập bền vững truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai”, đại diện ARDOR Green nói.

BUV đã đề cao những yêu cầu về xanh hóa ngay từ khi khái niệm này còn mới với nhiều trường đại học.
Là đơn vị hai lần cấp chứng nhận công trình xanh toàn cầu EDGE cho khuôn viên giai đoạn 1 và 2 của BUV, đại diện IFC – thuộc Ngân hàng Thế giới đề cao sự chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng không gian thân thiện với người khuyết tật. Từ lối đi, thang máy đến phòng vệ sinh và bàn học đều được thiết kế để đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng cho xe lăn.
Với tầm nhìn kiên định, BUV hướng tới củng cố vị thế đại học xanh hàng đầu khu vực, trở thành chất xúc tác cho chuyển đổi xã hội. Trường đặt mục tiêu lắp đặt pin mặt trời vào năm 2026 và hướng tới trở thành đại học tiên phong trung hòa carbon tại Việt Nam, lan tỏa thông điệp bền vững.
Không chỉ là công trình thân thiện môi trường, không gian xanh tại BUV còn phục vụ sứ mệnh giáo dục bền vững. Bà Nguyễn Thị Vĩnh Thủy – Giám đốc Điều hành cấp cao, nhấn mạnh rằng, phát triển bền vững là trọng tâm trong chương trình giảng dạy của trường, thông qua các học phần về đạo đức doanh nghiệp và du lịch có trách nhiệm.

BUV mong muốn trở thành hình mẫu thực tiễn về phát triển xanh bền vững để truyền cảm hứng cho sinh viên.
BUV không chỉ tích hợp nguyên tắc xanh vào chương trình giảng dạy mà còn khuyến khích cán bộ, sinh viên tham gia bảo vệ môi trường. Sinh viên được tham gia nhiều hoạt động thông qua chương trình Nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng xã hội (PSG) liên quan đến phát triển bền vững để nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội.
Đây là xu thế chung của giáo dục toàn cầu. Tại các cường quốc giáo dục, phát triển bền vững đã trở thành định hướng quan trọng, các trường không chỉ “xanh” về thiết kế, mà còn tích hợp vào chiến lược vận hành và nội dung học thuật. Đón đầu xu hướng toàn cầu, BUV dần trở thành hình mẫu đại học “xanh” toàn diện tại Việt Nam – không chỉ qua hạ tầng mà còn trong triết lý vận hành và chiến lược đào tạo. Những nỗ lực này khẳng định vị thế tiên phong của BUV trong phát triển bền vững, góp phần đặt nền móng cho một hướng đi mới của giáo dục đại học Việt Nam, nơi “xanh hóa” trở thành tiêu chuẩn phát triển và bồi dưỡng thế hệ công dân có tư duy toàn cầu.
