
Sinh Viên BUV học Thiết Kế Sáng Tạo cùng Studio làm hình ảnh cho MCK, Touliver và Billie Eilish
Th7 04, 2025
10:37:05
Vừa qua, Khoa Truyền thông & Sáng tạo tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đã tổ chức buổi workshop với Fustic.Studio, nhằm giúp sinh viên tiếp cận những góc nhìn đầy mới mẻ và độc đáo về xu hướng sáng tạo liên ngành.
Khám phá xu hướng sáng tạo liên ngành
Ngành Thiết kế Sáng tạo tại Việt Nam đang bứt tốc ấn tượng nhờ sự giao thoa giữa mỹ thuật, công nghệ và khoa học dữ liệu. Thị trường không còn tìm kiếm chuyên viên thiết kế thuần tuý mà đòi hỏi nhân lực đa kỹ năng biết kết hợp tư duy đồ hoạ, lập trình chuyển động và kiến tạo trải nghiệm số. Xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), hình ảnh 3D và thực tế ảo (VR) đang định hình tương lai ngành, mở ra cơ hội để các tài năng trẻ Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Để giúp sinh viên bắt kịp xu hướng thị trường, Khoa Truyền thông & Sáng tạo tại BUV đã tổ chức buổi workshop với Fustic.Studio – một studio sáng tạo liên ngành đến từ Hà Nội. Không chỉ hợp tác với các thương hiệu toàn cầu, Fustic còn đứng sau những dự án hình ảnh cho nhiều nghệ sĩ đình đám tại Việt Nam và thế giới, từ MCK, Touliver đến Bad Bunny và Billie Eilish.
Với những dự án như Voice Gems, Re.Image,… Fustic.Studio đang ngày càng trở nên nổi bật trong việc kết hợp nghệ thuật và công nghệ tiên tiến, góp phần biến những ý tưởng táo bạo thành trải nghiệm đa giác quan, có thể chạm được và nhìn thấy được.
Phá vỡ ranh giới nghệ thuật truyền thống
Với tinh thần sáng tạo không ngừng, Fustic mang đến những góc nhìn đầy mới mẻ cho sinh viên BUV qua các dự án giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ. Với dự án Re.Image, đội ngũ đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện âm nhạc cổ điển sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp giữa âm nhạc cổ điển và nghệ thuật thị giác thông qua công nghệ tương tác thời gian thực.
Anh Nam Lê – Đồng sáng lập Fustic.Studio (giữa) chia sẻ về dự án tại workshop
Dự án hướng tới tái định nghĩa trải nghiệm âm nhạc cổ điển, bứt phá khỏi khuôn khổ truyền thống, khiến dòng nhạc vốn kén người nghe trở nên gần gũi và giàu cảm xúc hơn.
“Đây là buổi hòa nhạc cổ điển đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ thời gian thực và hệ thống tạo sinh trực tiếp trên sân khấu”, anh Nam Lê – Đồng sáng lập Fustic Studio chia sẻ.
Những góc nhìn của Fustic.Studio giúp sinh viên hiểu rõ hơn về quy trình triển khai công nghệ thời gian thực vào nghệ thuật biểu diễn, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả.
Dự án Re.Image là chuỗi sự kiện âm nhạc cổ điển sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam
Không chỉ Re.Image, sinh viên BUV còn được truyền cảm hứng từ dự án “Đủ” – triển lãm thị giác tương tác do Fustic.Studio phối hợp cùng Sun Life, thu hút hơn 10.000 lượt khách chỉ trong 5 ngày. Khởi đầu bằng câu hỏi gợi mở “Thế nào là cảm giác đủ?”, triển lãm dẫn dắt người xem qua 4 không gian trải nghiệm, với 13 tác phẩm nghệ thuật đến từ 27 nghệ sĩ khác nhau. Ánh sáng, hình ảnh và âm thanh được biến đổi liên tục, để rồi chính cảm xúc khán giả trở thành chất liệu chính của buổi triển lãm.
Nhìn lại những thành công ấy, anh Nam Lê khẳng định: “Nếu không có khán giả, nghệ thuật của chúng tôi sẽ không tồn tại.” Dù khác biệt về định dạng, công nghệ hay chủ đề, mọi dự án của studio đều hướng tới những trải nghiệm giàu cảm xúc, xoá nhòa ranh giới giữa kỹ thuật số và vật lý, giữa con người và công nghệ.
Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Sáng tạo Fustic.Studio – anh Doãn Hải cũng khuyên những người theo đuổi thiết kế sáng tạo hãy luôn giữ góc nhìn đa chiều để tác phẩm không rơi vào lối mòn.
Sáng tạo bền vững đòi hỏi góc nhìn thực tế
Chia sẻ về thị trường, anh Hải cho biết: “Tại Việt Nam, phần lớn thương hiệu vẫn trung thành với marketing truyền thống nên chỉ số ít dám đón nhận những dự án đổi mới như của chúng tôi. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội: chúng ta phải liên tục trau dồi kỹ năng mới và cùng ‘giáo dục’ ngành về cách nghệ thuật sáng tạo có thể định hình tương lai.” Anh tin rằng, khi kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, cánh cửa dành cho các nghệ sĩ thiết kế sáng tạo sẽ ngày càng rộng mở.
Đội ngũ Fustic cũng đã chia sẻ chi tiết về quy trình làm việc của họ, bắt đầu từ việc lắng nghe khách hàng để hiểu câu chuyện và yếu tố văn hoá, rồi bước vào giai đoạn đặt câu hỏi sâu sắc. Sau đó, ý tưởng được phác thảo trong giai đoạn tiền kỳ, thử nghiệm kỹ thuật và ngân sách. Vào giai đoạn sản xuất, họ dành những đêm thức trắng để tạo prototype và tinh chỉnh. Quá trình lắp đặt cuối cùng được coi là khó nhất vì phải phối hợp giữa nghệ sĩ, agency và đội ngũ sự kiện để “thổi hồn” cho tác phẩm.
Phan Anh – cựu sinh viên chương trình Ứng dụng Sáng tạo Đương đại (CCP) tại BUV, hiện là thành viên của Fustic, chia sẻ: “Trong quá trình học tại BUV, mình được học đa dạng các kỹ năng, từ các kỹ năng chuyên môn đến kỹ năng mềm, giúp mình có một bộ hồ sơ mạnh để ghi điểm với các nhà tuyển dụng. Đặc biệt, môi trường học tại BUV không bị gò bó, tạo động lực cho mình thể hiện bản thân và tự do sáng tạo. Nhìn lại, giờ mình mới thấy những gì học ở CCP là vô cùng thiết thực.”
Buổi workshop khép lại bằng phiên Q&A sôi nổi giữa sinh viên và các đại diện Fustic. Đội ngũ nhấn mạnh rằng sáng tạo bền vững cần có sự cân bằng giữa dự án nghệ thuật và dự án thương mại. Muốn xây được nền tảng vững chắc cho những ý tưởng táo bạo, thế hệ trẻ cần bám sát thực tiễn bằng việc lập kế hoạch dài hạn, chia rõ các giai đoạn tài chính và xác lập các mốc mục tiêu cụ thể trên hành trình sáng tạo.
Thông qua chuỗi workshop trải nghiệm trực tiếp với chuyên gia, Khoa Truyền thông & Sáng tạo hướng tới tạo cầu nối giữa sinh viên và ngành nghề, cung cấp những góc nhìn thực tế giúp các bạn định hình bản sắc sáng tạo cá nhân, từ đó sẵn sàng cho một lĩnh vực đang bùng nổ với hàng chục nghìn cơ hội việc làm mỗi năm.
